Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Còn vang mãi những bài ca kháng chiến

68 năm kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công; 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, những ca khúc cách mạng luôn ngân vang trên mọi nẻo đường quê hương, trong hàng triệu trái tim người Việt. Hiện thực đó giản dị đến thiêng liêng...
Như một sứ mệnh lịch sử
Có lẽ một trong những yếu tố giúp dòng ca khúc này có sức sống mạnh mẽ là bởi nó ghi lại một giai đoạn hào hùng của dân tộc, đồng thời cất lên tiếng nói và tâm hồn người Việt Nam. Ở đó, cả một pho sử sống bằng âm thanh, mỗi ca khúc ghi lại một sự kiện, một thời điểm lịch sử nhất định gắn liền vận mệnh đất nước.
Khi con tim chợt vang lên những Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam (Văn Cao), Cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu), Diệt phát-xít (Nguyễn Đình Thi), Du kích ca (Đỗ Nhuận) hay Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng (Lưu Hữu Phước)... ta như sống lại niềm hân hoan ngập tràn từ quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội tới các phố phường Thủ đô của ngày 19-8-1945. Ca khúc Mười chín Tháng Tám được nhạc sĩ Xuân Oanh ghi lại ngay trong ngày lịch sử ấy, khi ông đang hòa cùng đoàn quân từ các ngả đường ngoại ô ầm ầm kéo về trung tâm thành phố để rồi rất nhanh chóng, ca khúc ấy được lan ra và vang lên trong thời điểm lịch sử của dân tộc.
Cho tới năm 1954, sau chín năm kháng chiến trường kỳ, dòng ca khúc cách mạng có bước tiến vượt bậc khi được bồi đắp thêm những tác phẩm kinh điển như Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Đàn chim Việt (Văn Cao), Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Đoàn Vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Lên ngàn, Nhạc rừng (Hoàng Việt), Con kênh xanh xanh (Ngô Huỳnh), Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Bính - Nguyễn Hữu Trí)... Và, với giai điệu mang âm hưởng dân ca mượt mà, trữ tình đượm buồn nhưng không bi lụy, Câu hò bên bờ Hiền Lương chính là cách mà tác giả Hoàng Hiệp - Đằng Giao chọn để ghi lại sự kiện Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 chia cắt đất nước thành hai miền. Cũng kể từ đó, ca khúc cách mạng bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn đấu tranh thống nhất đất nước kéo dài 21 năm.
Cuộc chiến ấy gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại, với phong trào tiếng hát át tiếng bom, phong trào xuống đường của học sinh, sinh viên các đô thị miền nam... để rồi từ đó hàng trăm bản tình ca tuyệt đẹp về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đầy tự hào ra đời như: Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (Huy Du), Lá đỏ (Hoàng Hiệp -Nguyễn Đình Thi), Bóng cây Kơ nia (Phan Huỳnh Điểu - Ngọc Anh), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Lư Nhất Vũ), Hát mãi khúc quân hành (Diệp Minh Tuyền), Năm anh em trên một chiếc xe tăng (Doãn Nho - Hữu Thỉnh)...
Ghi lại sự kiện tháng 9-1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nén nỗi đau trong tim, biến thành sức mạnh có Đêm Trường Sơn nhớ Bác (Trần Chung), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường)... Và vỡ òa trong niềm vui thống nhất đất nước ngày 30-4-1975 với Như có Bác trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên), Mùa xuân trên TP Hồ Chí Minh (Xuân Hồng), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà)...
Kết tụ giá trị thẩm mỹ
Không đơn thuần ghi lại những sự kiện lịch sử bằng âm nhạc, dòng ca khúc cách mạng còn chứa đựng giá trị thẩm mỹ được kết tinh từ sự chắt lọc tinh hoa âm nhạc thế giới và âm hưởng dân tộc. Ở thời điểm thập niên 40, thế kỷ 20, mới hình thành nền tân nhạc Việt Nam, việc chọn thể loại ca khúc với ngôn ngữ nghệ thuật mới mẻ nhưng mang tính đại chúng cao để truyền tải nội dung lớn mang tính thời đại đã góp phần tạo làn gió mới, giúp cho dòng ca khúc cách mạng nhanh chóng được phổ biến. Trong khi đó, sự đa dạng về tính chất âm nhạc từ anh hùng ca, trữ tình đến âm hưởng dân gian ngày càng thể hiện rõ nét và tạo sức hấp dẫn người nghe.
Dễ nhận thấy những hành khúc đầu tiên của dòng ca khúc này vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ âm nhạc phương Tây, nhưng chỉ vài năm sau, âm hưởng Việt đã ngập tràn trong sáng tác của các nhạc sĩ. Chẳng hạn, Đỗ Nhuận khai thác chèo, trống quân kết hợp với điệu xòe Tây Bắc vào ca khúc Giải phóng Điện Biên hay Hoàng Vân khai thác âm hưởng điệu hò Bắc Bộ được bộ đội hát nhiều lúc bấy giờ vào trong bài Hò kéo pháo...
Tuy mỗi ca khúc mang một mầu sắc và truyền tải những nội dung khác nhau nhưng lại có chung một thế giới quan, đó là chất anh hùng ca, sự đấu tranh cho lý tưởng và chính nghĩa, sự khát khao được sống trong hòa bình, tự do. Tất cả như sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ nội dung ca từ của dòng nhạc cách mạng. Ở đây, "cái tôi" được đề cao, song "cái tôi" ấy lại luôn hướng tới cái chung, hướng tới một sự cao cả, thiêng liêng hơn - tình yêu và trách nhiệm đối với quê hương, đất nước. Nói cách khác, tình cảm bạn bè, tình yêu đôi lứa gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước là một đặc điểm nổi bật.
Ta có thể bắt gặp hình ảnh hai người đồng đội chất chứa những tâm sự "Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá" (Tình đồng chí - Minh Quốc, Hữu Thỉnh), cũng dễ dàng hòa theo dòng cảm xúc của tình yêu đôi lứa trong bản tình ca "Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm..."(Trường Sơn Đông -Trường Sơn Tây- Hoàng Hiệp, Phạm Tiến Duật), hay chỉ là phút lãng mạn của anh lính trẻ khi bắt gặp cô gái nơi tiền phương để rồi cho anh thêm sức mạnh với lời khẳng định chắc nịch "Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn" (Lá đỏ), hoặc nỗi nhớ da diết của người chồng miền bắc gửi tới người vợ ở miền nam khi đất nước còn chia cắt trong Tình ca (Hoàng Việt)...
Chẳng ngẫu nhiên tình yêu lứa đôi lồng vào tình yêu quê hương, đất nước lại dễ được chấp nhận và được người nghe chào đón một cách tự nhiên. Hiển nhiên thôi, bởi tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh để đất nước được bình yên là một phẩm chất quan trọng sẵn có trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, nó được hun đúc theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc luôn phải quyết đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi.
Mặt khác, không thể không nhắc tới những nghệ sĩ tài năng thuộc các thế hệ đã góp phần tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Trong thời kỳ kháng chiến có Quốc Hương, Trần Khánh, Trung Kiên, Quý Dương, Thương Huyền, Trần Hiếu, Kiều Hưng, Quang Thọ, Lê Dung... Ngày nay được tiếp nối bởi các nghệ sĩ Đăng Dương, Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh... Thậm chí cả những giọng ca nhạc trẻ như Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Việt Quang, Khánh Ngọc... cũng hào hứng thể hiện ca khúc cách mạng. Chính họ đã chắp cánh, "nối dài" sức sống cho ca khúc cách mạng. Chưa kể, những ca khúc này vẫn được coi là chuẩn mực cho các thí sinh lựa chọn thể hiện trong các cuộc thi, liên hoan âm nhạc. Mới đây, trong cuộc thi "Tuổi 20 hát" trên kênh VTV6, năm sinh viên Đại học Hà Nội thể hiện ca khúc Chiếc gậy Trường Sơn (Phạm Tuyên) theo phong cách acoustic. Chỉ với một cây ghi-ta gỗ và những giọng hát mộc mạc, nhưng họ đã tạo được tình cảm từ giám khảo tới người nghe.
Và cứ thế, theo thời gian, dòng ca khúc cách mạng với sức hấp dẫn riêng, vẫn đang tiếp tục được "làm mới" theo cách cảm nhận và khả năng thể hiện của các thế hệ nghệ sĩ cùng công chúng hôm nay.
-----------------------------------------------

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :