Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Thái Bảo: Nghệ sĩ của những bài ca không tuổi

Sở hữu một giọng ca đặc biệt, khỏe mạnh, dày và khàn nhưng nồng nàn, da diết, Thái Bảo ghi dấu ấn trong lòng công chúng bằng những bài ca không tuổi như Thời hoa đỏ, Thăm bến Nhà Rồng, Vết chân tròn trên cát,… Đã bước sang tuổi tứ tuần nhưng Thái Bảo vẫn giữ được sự trẻ trung trên khuôn mặt, trong tâm hồn và niềm đam mê ca hát như ngày nào…
Bén duyên từ giọt đàn bầu
Gặp Thái Bảo ngoài đời, ít ai đoán được tuổi tác của chị. Nụ cươi tươi tắn, gương mặt căng tràn được trang điểm một cách hết sức tự nhiên, nổi bật lên với nụ cười rạng rỡ. Thái Bảo thuộc tuýp phụ nữ chu toàn cả trong công việc lẫn đời sống riêng, nên sự thanh thản có lẽ trở thành cái cốt yếu để cô giữ gìn nhan sắc.
Có lẽ cũng bởi thế mà hơn hai mươi năm làm nghề, gia tài nghệ thuật của chị chỉ vỏn vẹn vài 5 đĩa nhạc (Mùa thu lá bay, Hoa tím đầu mùa, Thăm bến Nhà Rồng, Độc tấu đàn bầu, Hoài cảm) nhưng Thái Bảo luôn hài lòng với những gì mình có.
Khán giả nhiều thế hệ vẫn nhắc đến chị không phải bằng những sản phẩm cầm tay, mà bằng những ca khúc đi vào lòng người.
Sở hữu một giọng ca đặc biệt, khỏe mạnh, dày và khàn nhưng nồng nàn, da diết, Thái Bảo ghi dấu ấn trong lòng công chúng bằng những bài ca không tuổi như Thời hoa đỏ, Thăm bến Nhà Rồng, Vết chân tròn trên cát,…
Thái Bảo sinh ra trong một gia đình trí thức nghèo ở Nghệ An. Cha mẹ cô sinh được 6 người con, đều lấy tên đêm là Bảo. Sau này, cô được giải thích “Bảo” có nghĩa là bảo bối. Cô tuy là người con út, lại “ngoài kế hoạch” nhưng luôn được ba mẹ và các anh chị em thương mến.
Tuổi thơ của Thái Bảo là những năm tháng bom rơi đạn nổ. Mẹ Thái Bảo khi ấy là một thủ thư của thư viện, với đôi quang gánh một bên là con, một bên là sách để đi sơ tán. Về cha mình, Thái Bảo kể:
“Cha tôi trước đây là Giám đốc Bảo tàng Kim Liên tại Nam Đàn. Gia đình chúng tôi là gia đình trí thức nghèo. Đông con, nên vườn rau lang của mẹ không bao giờ kịp trổ mầm cho chúng tôi hái. Những năm sơ tán, mặc dù cha làm giám đốc nhưng ông sợ mang tiếng nên mẹ con tôi đi sơ tán không được vào ở phòng riêng của ông.
Mẹ đưa tôi ở trong một cái đình làng, bên cạnh là kho chứa thuốc sâu. Tôi đi học về thì đi nhặt lá đa khô cho mẹ nhóm lửa nấu cơm. Cha mẹ mong tôi sau này lớn lên sẽ học hành chu đáo để trở thành một nhà giáo. Nhưng rồi tôi lại là một ca sĩ...".
Nghiệp ca hát đến với Thái Bảo cũng thật kì lạ. Cô không có chất giọng trau chuốt, thanh mảnh, ngọt ngào mà trầm đục, da diết. Thái Bảo học đàn bầu từ khi mới 10 tuổi. 9 năm liền học tập say mê đã nâng tiếng độc huyền cầm của cô ngày càng có sức quyến rũ mê hồn.
Đĩa nhạc "Độc đàn bầu" gồm những bài dân ca quốc tế phát hành năm 2002 đã khẳng định tài năng của Thái Bảo - "cây đàn bầu" sinh ra nơi thành phố bên bờ sông Lam.
Thái Bảo nhớ như in thời điểm năm1975, Nhạc viện về Hà Tĩnh tuyển các học sinh có năng khiếu ca hát về đào tạo. May thay, cô bé có giọng khàn lạ, dễ thương với bàn tay búp măng xinh xắn đã lọt vào tầm ngắm của các thầy cô.
Kể từ đó, “nghiệp cầm ca” đã gắn với Thái Bảo như một cái duyên, để rồi sau này còn đem đến cho cô nhiều cơ duyên may mắn khác.
Nghệ sĩ của người lính
Đã bước sang tuổi tứ tuần nhưng Thái Bảo vẫn giữ được sự trẻ trung trên khuôn mặt, trong tâm hồn và niềm đam mê ca hát như ngày nào…
Cuộc đời làm nghệ thuật củaThái Bảo gắn liền với người lính. Những năm chiến tranh, chị theo đoàn văn công đi diễn phục vụ bộ đội khắp các vùng biên giới và hải đảo. Thái Bảo nhớ lại: "Có lúc chân phải lội bùn đứng hát cho bộ đội nghe. Hát xong bài hát thì chân đã lún sâu xuống bùn, không bước ra được.
Lại có lúc vừa hát vừa phải đứng lấp ló trên sân khấu thôi, vì sợ đạn bắn tỉa của kẻ thù có thể tới bất cứ lúc nào. Có những kỷ niệm xúc động đến nỗi chỉ nhớ lại đã ứa nước mắt.
Đó là khi tôi hát ca khúc "Vết chân tròn trên cát" của nhạc sĩ Trần Tiến cho bộ đội nghe, các anh thích quá, lặn lội 15 cây số đường rừng trong đêm mưa tầm tã đến lán trại của Đoàn chỉ để được Thái Bảo chép cho phần lời của bài hát. Không có bàn ghế, tôi lấy lưng chiến sĩ làm bàn để chép nhạc.
Nhìn bóng các anh đi khuất vào cơn mưa, tôi đứng lặng, âm thầm khóc vì thương các anh quá".Với Thái Bảo, tình cảm giản dị mà thân tình ấy của khán giả là điều cô vô cùng trân quý suốt cả cuộc đời ca hát của mình.
Nhưng sự nghiệp của Thái Bảo không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Năm 1997, giọng hát của cô không còn được khỏe khắn như trước nữa.Thái Bảo đi khán và phát hiện ra mình bị u dây thanh quản. Một người bạn bác sĩ khuyên Thái Bảo sang Singapore phẫu thuật nhằm cứu lại giọng hát, cũng là “cần câu cơm” của mình.
Ca phẫu thuật thành công, một năm sau Thái Bảo khám lại thì được thông báo chính thức: u thường. Chị bắt đầu tập hát trở lại. Hồi đó, Lê Dung là người tận tình bên cạnh và hướng dẫn lại cách hát cho Thái Bảo.
Ba tháng đầu tiên sau phẫu thuật là ba tháng khó khăn nhất. Nhưng sau đó, bằng sự quyết tâm bền bỉ, Thái Bảo đã lấy lại giọng hát của mình và đi hát trở lại.
Nhắc đến Thái Bảo, ít tai là không biết đến ca khúc gắn liền tên tuổi của cô: Bến Nhà Rồng. Tính đến nay, đã hơn 20 năm Thái Bảo hát ca khúc ấy. Thời gian cứ trôi đi mãi, biết bao người thử sức hát Bến nhà Rồng nhưng chưa ai vượt qua được sư thành công của Thái Bảo.
Nhưng để có được thành công ấy, Thái Bảo đã phải vượt qua được sự tự ti của chính mình. Cô kể: “Năm 1990, tôi gặp nhạc sĩ Trần Hoàn, xin ông cho phép được hát một ca khúc về Bác Hồ do ông sáng tác, làm tiết mục dự thi Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.
Nhạc sĩ Trần Hoàn sau khi nghe tôi trình bày, ông có vẻ không quan tâm lắm. Ông bảo: “Bài hát thì tôi có đấy, nhưng chắc chị không hát được đâu”. Nghe ông nói vậy, nhưng tôi vẫn xin ông bài hát “Thăm bến Nhà Rồng” về để tập.
Vốn khó tính, nhạc sĩ còn dội thêm “gáo nước lạnh” vào lòng nhiệt tình của tôi: “Chị hát bài này chắc là nghe như Tây hát chèo thôi”. Tôi về tập, tuần sau đến hát cho nhạc sĩ nghe. Ông im lặng không nói câu gì và đồng ý cho tôi mang bài hát đi thi…”.
Không ngờ, bài hát đã làm nên tên tuổi của Thái Bảo. Mặc dù ít khi được nhạc sĩ Trần Hoàn khen, vì ông rất kiệm lời, nhưng Thái Bảo lúc nào cũng biết ơn ông đã dành cho chị sự tin tưởng và sự khích lệ.
Thái Bảo quê Nghệ An nhưng cô lại ít có ca khúc nào gắn liền với mảnh đất này. Bởi chị “biết lượng sức mình” và hiểu rằng có những đỉnh cao không vượt qua nổi: “Tính tôi thế này: Khi một ai đó đã hát hay thì tôi không “đụng” đến nữa.
Tôi là người Nghệ An hẳn hoi, có nhiều bài hát về Nghệ An, Hà Tĩnh hay lắm nhưng tôi không dám hát vì nhiều ca sỹ đã hát quá hay rồi”. Thái Bảo kể, làm việc với NSND Thu Hiền đã 25 năm nay nhưng cô cũng chưa bao giờ hát lại một bài nào của Thu Hiền, ngay cả việc học thuộc ca khúc cũng rất ít khi.
Với những nhạc sĩ nổi tiếng như Trần Tiến, Xuân Hồng cũng vậy, Thái Bảo chơi rất thân nhưng không hát nhiều nhạc của họ, trừ những bài phù hợp.
20 năm qua, những nỗ lực của Thái Bảo trong hàng loạt ca khúc và sản phảm âm nhạc đã được ghi nhận. Nhiều khán giả vẫn thường xuyên nhắn tin, gọi điện để tỏ lòng hâm mộ với cô. Cũng nhiều lần, Thái Bảo đứng trước những cơ hội được mở rộng tên tuổi để đạt được những thành công vượt bậc trong sự nghiệp nhưng cô đều từ chối.
Bởi với người phụ nữ cẩn trọng và đầy lý trí ấy, biết hài lòng với những gì mình có là mấu chốt để có được hạnh phúc trong cuộc sống. “Tôi hài lòng với những gì mình có, ít nhất cho đến thời điểm này.
Tính tôi cũng hay cả nghĩ, nhưng càng ngày, tôi càng hiểu ra, cách tốt nhất là mình sống thảnh thơi, không phiền muộn. Điều hay nhất để giữ sự tươi trẻ trong tâm hồn là không bon chen, đừng đố kỵ, tránh làm đau lòng người khác” – Thái Bảo chia sẻ.
Giờ đây, Thái Bảo ít đi diễn hơn, bởi những người thích nhạc của cô không phải là những người trẻ, thích đến rạp hay vào nhà hát thưởng thức. Họ có thể chỉ ở nhà mở đĩa, xem ti vi và nghe cô hát. Thái Bảo cũng ít đi diễn sự kiện, có khi một tháng chỉ một vài show hoặc có tháng thì không.
Những lúc ấy, Thái Bảo chọn cho mình niềm vui được chăm sóc gia đình. Sau giờ đi diễn cô tự tay đi chợ về nấu ăn cho chồng và con trai. Cảnh đầm ấm của gia đình là niềm vui lớn nhất với người phụ nữ này.

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :