Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Lại khủng hoảng “tài năng”

Mùa thứ nhất, vì định nghĩa về “tài năng” bị thổi phồng trong một chương trình truyền hình thực tế, nên cuộc “Tìm kiếm tài năng VN” (Vietnam’s got talent) còn gặp nhiều lúng túng. Sang đến mùa thứ hai, đã vào vòng bán kết 4, nhưng chương trình lại càng bí hơn khi ban tổ chức không những không định dạng cuộc chơi một cách rõ ràng, mà còn không kiếm ra tài năng đúng nghĩa.
Tuy đã vào đến vòng bán kết 4, song 7 tiết mục trong đêm 10.3 xem ra lại khá nhạt nhẽo. Múa bụng, biểu diễn xe đạp, võ thuật mạo hiểm, múa và hát, dường như không có tiết mục nào nên hồn, thậm chí, còn thua cả vòng bán kết. Không những thế, nhóm nhảy hip hop Big Toe còn dựng tiết mục thua... cả năm ngoái. Điểm sáng của chương trình là thí sinh Dương Quyết Thắng - người không tay - vẫn có thể chơi đàn và hát hết mình, cho dù kỹ thuật còn thiếu. Nhóm kungfu Lý Bằng nếu so với các chương trình võ thuật khác thì cũng tầm tầm, với tiết mục nhân vật chính nằm trên 5 mũi giáo, mỗi mũi giáo đâm vào trán, ngay dưới xương quai xanh và bụng. Thế nhưng, cả ban giám khảo râm ran khen ngợi hết lời, xem đó là “tiết mục giải trí hoàn hảo”.

“Tài năng” đôi khi được dựng cùng giá trị giả, nên có những thí sinh thi hát, nhưng giám khảo cứ tấm tắc, em nên thi... sáng tác thì hay hơn. Đó là trường hợp của thí sinh Tô Mạnh Linh - người được giới thiệu là có đến 100 ca khúc tự sáng tác, cho dù chưa ai thẩm định trong số đó có bao nhiêu bài “đứng” được. Những lời khen kiểu ấy càng khiến khán giả khó chịu và vô hình trung tạo nên những thứ “tài năng” ảo.

Ở vòng bán kết 3, ban giám khảo cũng chỉ chọn được hai tiết mục vào chung kết, là màn đốt lửa ra chân dung của Phạm Hồng Minh và phần trình diễn của võ đường Thanh Phong. Cùng với những tiết mục được chọn trước đó, “gia sản” của vòng bán kết này, quanh quẩn những trò lạ, chứ không phải là trò thể hiện tài năng. Các giọng hát dù được khen tấm tắc cũng không có gì đột phá so với năm trước, hay so với các cuộc thi hát nhan nhản.

Nhiều người cho rằng, “Tìm kiếm tài năng VN” đang đi trên dây, kiểu “chuyện lạ đó đây”. Còn ban giám khảo thì bị chê là quá dễ dãi, bạ gì cũng khen, cũng chọn, mà lại chọn những tiết mục “trời ơi”. Những màn thổi kèn uống bia, ăn bóng đèn điện, ăn than còn đỏ lửa, đóng đinh vào mũi, chạy chân trần qua một dải than đang cháy, những trò ảo thuật đường phố... tất cả đều khiến người xem cứ ngài ngại, sờ sợ, ngán ngẩm. Thay vì làm chuyên môn cho tốt, tức nhận xét, khen chê chính xác, thì họ có xu hướng chọc hài khán giả, từ cách ăn nói, đùa cợt khá suồng sã (kiểu “sợ vợ cấu” vì khen các cô gái đẹp), hay múa ballet, làm ảo thuật... không đâu vào đâu.

Vấn đề ở đây là cuộc thi cứ lấn cấn giữa hai chữ “tài năng” - thực ra là những gì có sẵn trong chương trình truyền hình thực tế, bày món lên cho khán giả, chứ không phải là “tài năng” đúng như người ta vẫn nghĩ. Cuộc “khủng hoảng thiếu” tài năng cứ tiếp diễn là vì vậy.
-----------------------------------------------

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :