Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Từ nghe có ý thức đến sáng tác có ý thức

Cùng với chiến dịch "Nghe có ý thức”, việc thu phí nhạc số - một phần của vấn đề bản quyền âm nhạc những ngày qua đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhưng cũng từ những điều trông thấy sau những ngày đầu ra quân thu phí nhạc số, một vấn đề khác cũng cần được đặt ra là nghe có ý thức phải đi liền với sáng tác có ý thức.
Đời sống âm nhạc cần nhiều ca khúc đi cùng năm tháng

Bản quyền nhạc số chưa có nhiều thay đổi

Cho đến hôm nay, sau 4 ngày thực hiện thu phí tải nhạc trên các trang nhạc số, mọi chuyện dường như chưa có sự thay đổi nào đáng kể…Trong khi, theo nhiều người sử dụng họ đã thực sự chuẩn bị tinh thần cho chiến dịch "nghe nhạc có ý thức” từ cách đây ít lâu.

Bắt đầu từ trưa ngày 1-11, 7 website nhạc số lớn nhất tại Việt Nam đồng loạt đưa vào thử nghiệm mô hình thu phí tải nhạc số với mức giá khởi điểm 1.000 đồng mỗi bài hát. Các đơn vị này gồm: Zing (VNG), Nhaccuatui (NCT), Nhac.vui (24h), Keeng (Viettel), Music (VDC), Go (VTC), Yeucahat. Hiện nay, Zing đã có thêm nút Store phía trên Zing MP3 hay nút "mua” ở dưới các file album. Còn trên nhaccuatui có các nút "bấm vào bài hát, bấm tải và thu phí)... Dẫu vậy, cho tới ngày 4-11, truy cập các trang nhạc số, người sử dụng vẫn thoải mái download nhạc miễn phí trên các trang Nhac.vui, Yeucahat…mà không gặp bất kỳ phiền hà nào.

Giải thích về việc "chẳng có gì thay đổi” này, không riêng gì ông Ông Phùng Tiến Công – Phó Tổng giám đốc MV Corp, đơn vị trung gian trực tiếp thực hiện việc cung cấp kho nhạc từ Hiệp hội ghi âm (RIAV) tới các trang web chia sẻ nhạc trực tuyến, mà đại diện của nhiều trang nhạc số đều cho rằng: Họ đang làm thử nghiệm, tới ngày 1-1-12013 mới là thời điểm chính thức để các trang web thực hiện đồng bộ, triệt để việc thu phí tải nhạc. Bởi lâu nay, người nghe nhạc Việt Nam có thói quen "xài chùa” nhạc số. Họ cho rằng hành vi đó là hoàn toàn bình thường. Do đó, nếu ngay lập tức thu phí nghe lẫn tải nhạc có thể khiến họ cảm thấy sốc đột ngột, dẫn đến những phản ứng tiêu cực.

Nhạc thảm họa "đắt hàng”…

Bên cạnh những khán giả sẵn sàng chuẩn bị cho chiến dịch nghe có ý thức, cũng có một lượng không nhỏ khán giả chuẩn bị "đối phó” với việc tải nhạc mất phí. Trước thời điểm 1-11, nhiều học sinh, sinh viên đã tải cả kho nhạc với số lượng từ hàng trăm đến hàng ngàn bài hát từ các trạng nhạc số nói trên. Điều đáng buồn là những bản nhạc được tải ấy đa phần nằm trong danh sách "thảm họa nhạc Việt”.

Không phải ai cũng biết những bản như: Vọng cổ teen, Da nâu, Nàng Kiều lỡ chân, Tâm hồn vĩnh cửu, Nói dối… là phiên bản bắt chước từ nước ngoài của một số nhạc sĩ thị trường, mới bước chân vào làng giải trí Việt muốn nhanh nổi tiếng, dễ thu lợi mà không cần nỗ lực rèn luyện về chuyên môn. Hoặc những bản nhạc chế lời lẽ dung tục, dễ dãi, hời hợt cũng được thống kê là có lượng truy cập và tải nhiều nhất trong ngày.

Năm 2011, thống kê từ Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng cho thấy, những ca khúc gây sốc, ca khúc thị trường thu được hàng tỉ đồng tiền tác quyền từ nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại. Lý giải cho điều này, nhiều bạn trẻ cho hay, họ sử dụng nhạc chờ "lạ” và "sốc” theo trào lưu là chính, dù biết ca từ chẳng có gì hấp dẫn. Số khác cho rằng, họ nghe và hát tất cả những gì mà các nhạc sĩ sáng tác. Vì vậy, họ tải về cho chính mình hoặc gửi tặng cho người khác. Đây cũng chính là lý do khiến những ca khúc dù bị lên án là "thảm họa” vẫn được download, truyền tải rộng rãi, biểu diễn rộng rãi một cách vô thức.

Rất cần sáng tác có ý thức

Từ Hội thảo Sáng tác âm nhạc về đề tài lịch sử do Hội nhạc sĩ Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc đều gặp nhau ở một điểm. Đó là đã nhiều năm rồi chúng ta thiếu vắng những tác phẩm âm nhạc hay, mang tầm vóc và bóng dáng lịch sử. Giờ đây, những sáng tác thời vụ, những ca khúc với ca từ dễ dãi đang làm mưa làm gió thị trường âm nhạc. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nếu những nhạc sĩ sáng tác âm nhạc về lịch sử là người ghi sử bằng âm thanh thì có vẻ họ đã không làm tròn vai trò của mình. Ông cũng khẳng định: 25 năm qua không có tác phẩm hay cho công chúng.

Lấy bài hát Tiếng đàn Ta-lư của nhạc sĩ Huy Thục là một minh chứng điển hình. Hỏi chuyện về hoàn cảnh sáng tác bài hát này, ở tuổi 80 nhạc sĩ Huy Thục bỗng linh hoạt và khí thế hẳn lên như đang sống lại những ngày khoác ba lô, theo những cánh quân vượt Trường Sơn. Bài hát cùng lúc đạt được hai mục đích, giới thiệu làn điệu dân ca người Vân Kiều và phản ánh không khí thế hệ trẻ ra trận như đi hội. Ca khúc là một trong những bài hát đi cùng năm tháng và đến nay mỗi lần nghe, chúng ta lại như được sống cùng không khí ra trận ngày ấy.

Theo GS, nhà nghiên cứu âm nhạc Dương Viết Á, bên cạnh trào lưu sáng tác âm nhạc mùa vụ, nhạc thị trường, vài năm trở lại đây sân khấu âm nhạc Việt cũng vẫn còn những ca khúc mang âm hưởng dân ca đương đại như Bà tôi, Giấc mơ trưa, Con cò…có chỗ đứng trong lòng công chúng. Nói để thấy rằng thế hệ nhạc sĩ trẻ vẫn có những sáng tác được ấp ủ bằng tình yêu quê hương, đất nước; vẫn có những ca khúc mang đến cho người nghe những tâm nguyện của con người, của thời đại.

Sáng tác có ý thức, có lẽ sẽ có nhiều quan điểm về vấn đề này. Nhưng chắc chắn một điều rằng, nhiều nhạc sĩ cùng thế hệ với nhạc sĩ Huy Thục đều coi việc viết những ca khúc về đồng bào mình, dân tộc mình bằng âm nhạc của mình là tâm nguyện thiêng liêng. Những điều giản dị và cao quý ấy, hẳn sẽ khiến những nhạc sĩ trẻ - những người định hướng thẩm mỹ âm nhạc hôm nay phải suy nghĩ, trăn trở.

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :