Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Bỗng thấy thương những nhạc phẩm hét nhiều hơn hát

Nhâm nhi tách cà phê nơi phố cổ, chợt nghe Ai lướt đi ngoài sương gió/Không dừng chân đến em bẽ bàng... Thôi tình em đấy/Như mùa thu chết/Rơi theo lá vàng, tiếng hát ánh Tuyết với Buồn tàn thu đủ làm người nghe nao lòng đến lạ. Tôi lại hình dung ra Ánh Tuyết với chiếc áo dài trắng chấm chân, gương mặt thoáng buồn cất giọng hát nhạc Văn Cao thuở nào đẹp lạ lùng. Không gian bỗng chùng lại, ngưng đọng khiến ta cảm nhận sự chậm chạp của dòng đời như từng giọt cà phê đang tí tách rơi.
Tình cờ, một cô bé đưa vào tay tôi tờ rơi đêm nhạc của ba nhạc sỹ hàng đầu Văn Cao- Phạm Duy- Trịnh Công Sơn gọi tôi về miên man cõi mộng. Người yêu tiếng nước tôi, nhạc sỹ Phạm Duy vừa xa cõi thực 50 ngày, còn ngày cá tháng tư này, Trịnh đã thôi ở trọ 12 năm nhưng vẫn còn vương bao nỗi nhớ, còn Văn Cao đã lạc bước đến đào nguyên 28 năm rồi. Ở bên kia, ba người bạn Văn Cao - Phạm Duy - Trịnh Công Sơn đang trong hội quán nào để cùng đàm đạo âm nhạc? Nơi niềm yêu chưa bao giờ dứt, những khán giả yêu dòng nhạc lãng mạn, nhẹ nhàng thời đầu tân nhạc lại lắng nghe những giai phẩm tưởng nhớ ba nhạc sỹ hàng đầu.

Với những ca khúc đã được nhiều thế hệ người Việt Nam thuộc nằm lòng, Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn là ba tên tuổi lớn mang lại vẻ đẹp cao quý, u trầm nhưng không kém phần rực rỡ cho dòng nhạc trữ tình của âm nhạc Việt Nam. Nếu Văn Cao "sang trọng như một ông hoàng" thì Phạm Duy là "người tình của mọi thế hệ người yêu nhạc" và Trịnh Công Sơn là "kẻ du ca đi qua cuộc đời hát lên khúc ru về tình yêu, quê hương và thân phận con người". Những tác phẩm của ba nhạc sỹ, dù đa dạng, phong phú về màu sắc âm nhạc, nhưng tựu chung lại, vẫn là những bản tình ca bất tử.
Nhạc sĩ Văn Cao
Ba tài năng âm nhạc là ba phong cách khác nhau nhưng cùng tha thiết, đắm say với đời, với tình yêu. Nếu nhạc Văn Cao với những ca khúc lãng mạn, sâu lắng, dìu người nghe vào cõi Thiên thai tới chốn đào nguyên thì Trịnh lại đưa người vào cõi tình mộng, về chốn hư vô, còn Phạm Duy yêu nồng nàn nhưng rồi tình vội, tình xa, đau đớn, chia ly ta cảm nhận được trong âm nhạc, đó là cõi thực.
Chính nhạc sỹ Phạm Duy cũng đã từng thừa nhận: "Tình trong ca khúc của tôi là có thật. Tôi yêu ai đó bạn bè tôi biết, vợ tôi cũng biết chứ không ảo ảnh, mơ mộng như Trịnh Công Sơn". Trong thời điểm đầu tân nhạc, Trịnh tìm tình ru đời vào cõi mộng mị, còn Văn Cao cứ lạc bước vào chốn đào nguyên mà quên đường về, còn tôi vẫn phá vách tường sương mù để tìm về thực tại.
Từ Ướt mi, tác phẩm đầu tay dành tặng Thanh Thuý liêu trai, Trịnh đã để lại cho đời một kho tàng âm nhạc đồ sộ. Mà chính Văn Cao cũng phải thốt lên:  Trịnh Công Sơn sáng tác dễ như ta lấy một vật ở trong túi ra. Còn Văn Cao, sau những Suối mơ, Thiên thai, Cung đàn xưa, ông là hiện thân của người nhạc sỹ cách mạng với những khúc tráng ca hào sảng như Trường ca sông Lô. Phạm Duy, một đời nặng lòng với tiếng Việt, ông đã đưa nhạc Việt lên tầm cao mới với nhạc thất cung.
Cuộc hội ngộ chốn âm dương dồn nén một không khí khó diễn tả. Bởi cả ba người nhạc sỹ tài hoa ấy đang nắm tay nhau dạo chơi trong cõi vĩnh hằng để lại những giai phẩm, lưu luyến cõi trần ai. Họ hội ngộ với khán giả bằng những ca khúc hay nhất, khiến những người hoài niệm như tôi triền miên trong miền ký ức, với những giai điệu tình yêu đắm say.
Tháng tư về, những ai yêu nhạc Trịnh lại thấy nhoi nhói con tim. Ngày người nhạc sỹ tài hoa ra đi như một sự... nói dối. Và năm nay, lại thêm một cây đại thụ làng nhạc Việt vĩnh viễn ra đi. Nhưng niềm yêu của những tín đồ tân nhạc là những tri âm giữa bến bờ của những nỗi êm đềm xa xưa nhưng chưa bao giờ cũ. Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, ba tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam, dù đã giã biệt đời sống để đi về cõi vĩnh hằng thì tác phẩm vẫn còn vang mãi trong tâm hồn người yêu nhạc.
Bỗng thấy thương những nhạc phẩm hét nhiều hơn hát, những sự phá cách, nổi loạn chém ngang, chém dọc bài hát của những người được coi là nghệ sỹ. Mới đây thôi, trong một cuộc chơi, hai nghệ sỹ sáng tạo cả ca từ và cách thể hiện bài hát Bang Bang khiến bao người bức xúc. Từ sự hồi tưởng một tuổi thơ trong sáng, thơ ngây với giọng hát sâu lắng, thì hai nghệ sỹ phá tan nó thành sự ghen tuông, chém giết với súng ống trên sân khấu. Ôi thảm hoạ âm nhạc, bạo lực trong con trẻ cũng xuất phát từ sự sáng tạo ngu xuẩn!?.
Ở bên kia thế giới, chắc những nhạc sỹ đã cống hiến cho đời những tác phẩm vượt qua không gian, thời gian ở lại với người yêu nhạc chắc phải buồn lòng. Âm nhạc vốn đa sắc và thời gian sẽ là thước đo sự vĩnh cửu, sức sống, sự lấp lánh của những giai âm. Còn tôi hy vọng, những thảm hoạ sẽ sớm bị tẩy chay.    
-----------------------------------------------

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :