Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Bất cập chi phí đào tạo nghề

Chi phí đào tạo nghề không đủ sẽ dẫn tới không đảm bảo được kỹ năng lao động cho học sinh sau học nghề. Rất nhiều các cơ sở đào tạo nghề hiện đang phải đối mặt với khó khăn này!

Thực hành nghề tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội
Đồng tiền đi liền chất lượng
Chi phí đào tạo nghề quá thấp, được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao, trình độ tay nghề của học sinh sau học nghề chưa thực sự đảm bảo. Tại Hội nghị Kiểm định chất lượng dạy nghề vừa qua, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Ngọc Phi bày tỏ bức xúc về chất lượng dạy nghề hiện nay: “Chất lượng “sản phẩm” nhân lực phụ thuộc rất lớn vào các cơ sở đào tạo nghề, trong khi đó chi phí đào tạo nghề hiện nay là quá thấp.
Ví dụ nghề Hàn: Chi phí đào tạo cho trình độ trung cấp tiêu chuẩn quốc tế theo tính toán hết khoảng 63 triệu đồng, trong khi các trường chỉ có thể thu tiền học phí khoảng 7 - 8 triệu đồng. Từ đó dẫn đến thời gian thực hành, nguyên vật liệu phục vụ thực hành không thể đủ, học sinh ra nghề không thể giỏi nghề được. Tương tự như vậy, cũng nằm trong chi phí đào tạo nghề, đối với thực hành máy dập, theo tiêu chuẩn chỉ có 2 HS/buổi/1 máy, trong khi một số trường có tới 10 -15 HS/buổi/1 máy. Trừ cơ khí điện tử có thể chi phí ít hơn, nhưng các nghề cơ khí đều cần có sự đầu tư lớn mới có thể thành nghề và giỏi nghề”.
Để giải quyết vấn đề này một số trường đã mở thêm dạy ngành nghề  với hy vọng sẽ bù đắp một phần chi phí thiếu hụt cho những nghề có  chi phí đào tạo cao hơn. Thế nhưng việc này lại dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở” khiến cho một số nghề sẽ bão hoà về nhu cầu, học sinh ra nghề sẽ khó có việc làm, bản thân các trường lại phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt và làm cho chất lượng giảng dạy giảm sút…
Tập trung đầu tư
Ở Việt Nam nguồn nhân lực được cho là khá dồi dào, tuy nhiên chất lượng thì còn rất nhiều hạn chế… Mặc dù trong những năm trở lại đây, công tác đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu xã hội đang ngày một gia tăng. Đặc biệt trong xu thế quốc tế hoá thị trường lao động hiện nay, nhu cầu người lao động mong muốn tìm được việc làm tại nước ngoài luôn rất cao thì vấn đề đào tạo nghề phục vụ thị trường lao động ngoài nước dường lại “nóng”.
Trong khi với những bất cập về chi phí đào tạo hiện nay, có vẻ như chúng ta đang dần đánh mất lợi thế sẵn có về nguồn nhân lực của mình. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi thì tới đây sẽ tập trung đầu tư vào hệ thống trường chất lượng cao, trong đó bao gồm 26 nghề chuẩn quốc tế, 34 nghề chuẩn khu vực và 130 nghề chuẩn quốc gia.
Đây là một trong những nỗ lực nhằm tăng cường cơ sở vật chất, giáo trình dạy nghề… cho các cơ sở đào tạo, qua đó chia sẻ “gánh nặng” chi phí đào tạo cho các trường nghề hiện nay. Về phía các trường nghề, cần có sự nghiên cứu đánh giá cụ thể chi phí đào tạo của từng nghề, để nhà trường có được sự nhìn nhận và hướng đi sát thực hơn, các cơ quan quản lý sẽ đưa ra được những chính sách điều chỉnh hợp lý.
Điểm không thể thiếu, đó là sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong việc chia sẻ chi phí đào tạo. Một giải pháp nữa đang được một số cơ sở dạy nghề áp dụng thành công đó là dạy nghề và cung cấp nguồn lao động theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài, trong đó dạy theo giáo trình và cấp chứng chỉ nghề của đối tác, như vậy dù chi phí đào tạo có thể cao nhưng nguồn lao động đã được đảm bảo việc làm ngay sau học nghề.
-----------------------------------------------  

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :