Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Ví, giặm cần trao truyền, lan tỏa

Từ cụ già đã 85 tuổi ở Sơn Thịnh, Hương Sơn bước ra sân khấu còn phải có người đỡ vẫn mượt mà với điệu hát cổ “Cô gái thôn Đông lấy chồng xóm Bắc”, đến cô bé 10 tuổi đều say sưa hát dân ca ví, giặm…


Liên hoan dân ca ví, giặm lần thứ hai vừa kết thúc vào đêm qua, 19-8 tại Hà Tĩnh. Kết quả nhìn thấy được ở liên hoan không nằm ở những giải thưởng mà chính là sự lan tỏa phong trào hát dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trong các cộng đồng. Không chỉ trong ba ngày liên hoan diễn ra mà ngay từ những ngày trước đó, 21 CLB của hai tỉnh đã háo hức tập luyện để tham gia liên hoan.
Trong buổi khai mạc liên hoan, màn trình diễn của các cháu thiếu niên CLB Diễn Mỹ, Diễn Châu, Nghệ An với tiết mục "Chuyện ngày hè", hay như tiết mục "Yêu câu ví, giặm quê mình" của CLB Ngọc Sơn do bốn thế hệ trong một gia đình biểu diễn đã để lại sự bất ngờ đến xúc động.
Dân ca ví, giặm tưởng như chỉ còn trong ký ức, với nhiều nỗ lực trao truyền giữa các thế hệ, đang dần hồi sinh dưới nhiều hình thức.
Hơn phân nửa các tiết mục trong liên hoan là những bài dân ca ví, giặm lời cổ, được đầu tư kỹ lưỡng, cho thấy tinh thần phục dựng, tìm lại những giá trị đã mai một. Ngoài ra, các tiết mục đặt lời mới, bổ sung các làn điệu cải biên (có tính phổ biến) đã làm phong phú, đa dạng trong các chủ đề mà vẫn mang đậm bản sắc văn hóa trong địa phương hai tỉnh.
Đánh giá về chất lượng của liên hoan, nhạc sĩ Lê Hàm, hội viên hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Âm nhạc dân gian Việt Nam, thành viên Ban giám khảo cho biết: “Liên hoan lần này tiến bộ hơn so với năm ngoái do các CLB hình thành khá rõ. Các tiết mục chú trọng các yếu tố nguyên gốc, ở môi trường, không gian và hình thức diễn xướng, các màu sắc trên sân khấu nói lên được cuộc sống của nhân dân. Các làn điệu cổ, lời cổ, giá trị tiêu biểu, vốn có của dân ca ví, giặm được phục dựng lại được công chúng yêu mến và trân trọng.
“Tôi ấn tượng với tiết mục khá mới lạ “Dặm xay lúa lời mẹ dặn” của CLB Dân ca ví, giặm xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Cách hát có vẻ hơi “dân tộc thiểu số” một chút, có ba nốt, rất khác biệt với các đoàn khác”, nhạc sĩ Lê Hàm nói.
Mê ví, giặm “quê”; đưa ví, giặm về quê
Nếu như dân ca ví, giặm được nhân dân tại các huyện Hồng Lĩnh, Cẩm Xuyên, Can Lộc (Hà Tĩnh) hay Nghi Lộc, Hưng Nguyên (Nghệ An) chào đón nồng nhiệt, thì trái lại, ngay ở chính TP Hà Tĩnh – địa điểm biểu diễn chính của các CLB, số lượng khán giả đến nghe hát lại quá ít. Sau đêm khai mạc, buổi đầu tiên các hàng ghế còn được lấp đầy, đến những buổi sau số khán giả cứ vơi dần khiến không khí liên hoan hơi tẻ nhạt.
Không mấy CLB xem phần biểu diễn của nhau, trong khi liên hoan vốn là dịp hiếm có để các CLB dân ca, ví giặm học tập, giao lưu lẫn nhau. Ngoài những tiết mục đã được đầu tư công phu kỹ lưỡng và chất lượng, các CLB cần có nhiều hơn những cơ hội được đối đáp dân ca ví, giặm ngẫu hứng với nhau như đêm chia tay cuối cùng. Đó mới thực là minh chứng cho sự tồn tại đời thường, giản dị, nhưng đúng “chất” của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Ngoài những tiết mục chất lượng, có không ít tiết mục nhầm lẫn giữa diễn xướng với cách dựng cho văn nghệ quần chúng. Trang phục của một số CLB chưa phù hợp với nội dung, trưng diện màu mè làm giảm tính mộc mạc, chân chất của dân ca ví, giặm.
Cũng có đội hát phường vải lại mặc trang phục của phường cấy. Dân ca ví, giặm vốn là thể hát không cần nhạc đệm, nhưng một số CLB lại lạm dụng nhạc điện tử, đệm quá to, mất đi cái chất của dân ca, đó là điều tối kỵ.
Nhạc sĩ Lê Hàm cho rằng, không thể tránh khỏi sự nhầm lẫn cũng như ít nhiều những kỹ năng xưa đã bị mai một, nhưng phải khẳng định, chúng ta đang trên đường khôi phục lại, vì vậy rất cần thời gian và sự nỗ lực từ nhiều phía.
Bà Phan Thư Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Trưởng Ban giám khảo cũng thừa nhận, “sau liên hoan còn rất nhiều việc phải làm để gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc dân ca ví, giặm”.
Theo bà Phan Thư Hiền, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có một chương trình hành động nhằm tiếp tục khơi dậy phát huy di sản này vào trong đời sống nhân dân. Trước hết, tiếp tục tuyên truyền quảng bá nhân dân hiểu được giá trị của di sản, từ đó để người dân – những người đang sở hữu và gìn giữ di sản có ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm của mình.
Sắp tới, Sở Văn hóa sẽ có các hình thức khôi phục không gian diễn xướng cổ tại các làng nghề đang tồn tại, đồng thời tạo ra nhiều môi trường diễn xướng khác như sân khấu hóa để phù hợp với hơi thở cuộc sống đương đại. Việc sân khấu hóa sẽ thu hút được nhiều lực lượng nhân dân tham gia.
“Tất nhiên vấn đề quan trọng nhất là gìn giữ những giá trị tinh hoa của cha ông, tổ chức các lớp tập huấn, mời nghệ nhân đến để trao truyền lại những làn điệu cổ, làn điệu gốc cho nhân dân”, bà Hiền nhấn mạnh.
Trước thực tế chế độ cho nghệ nhân còn nhiều hạn chế, bà Phan Thư Hiền cho biết đã tham mưu để Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch trình Chính phủ phê duyệt chính sách về nghệ nhân. Riêng tỉnh Hà Tĩnh cũng đang từng bước xây dựng chế độ chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài và có những mức hỗ trợ cho các nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân dân gian.


Tiết mục hát lời cổ của CLB xã Kỳ Thư - huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh.
-----------------------------------------------

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :