Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Những vinh quang ảo

Gạt đi những ồn ào, phù hoa, chiêu trò... để thu hút người xem của nhà sản xuất, từ góc nhìn của một người trong nghề am hiểu đời sống âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Bảo thẳng thắn: truyền hình thực tế chỉ tạo ra vinh quang ảo.
- Là một nhạc sĩ (NS) đồng thời là một nhà sản xuất âm nhạc, anh có chú ý tới các quán quân, á quân hay những thí sinh lọt vào vòng chung kết các cuộc thi truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng? Liệu anh có định mời ai đó vào các sự kiện âm nhạc của mình? Bởi vì nếu chọn họ thì có vẻ dễ hơn - đặc biệt là cho khâu quảng bá - so với việc sử dụng ê-kíp riêng do anh tự tìm kiếm và phát triển...
- NS Quốc Bảo: Giai đoạn phôi thai của truyền hình thực tế Việt, tôi có theo dõi, đó là năm 2007 với Vietnam Idol mùa đầu. Nhưng ngày qua tháng lại, tôi không hào hứng nữa. Tôi có tham gia với tư cách giám khảo một mùa Bước nhảy hoàn vũ, giám đốc âm nhạc một mùa Cặp đôi hoàn hảo, nhưng đó là tham gia với tư cách người trong cuộc, theo hợp đồng với nhà tổ chức.
Tôi chỉ làm nhiệm vụ của mình mà không hề "lợi dụng" cơ hội để tìm các nhân tố mới, vì tôi thấy làm vậy là... ăn gian, và cũng không đủ thì giờ để tìm tòi phát hiện được gì. Tôi thấy - nhìn chung - các gương mặt thi truyền hình thực tế chỉ có "duyên" trong phạm vi cuộc thi, ra ngoài là họ mất.

Ca sĩ Thu Minh-Giải nhất Tiếng hát Truyền hình TP Hồ Chí Minh năm 16 tuổi.
- Có lẽ học hành bài bản không phải là vấn đề chính khiến các quán quân hay á quân ra khỏi cuộc thi không nổi lên đình đám như nhiều người hình dung? Bởi vì ngoài trường hợp như Uyên Linh hay Ya Suy, còn có những người đã có kết quả tốt ở trường học như Văn Mai Hương hay Hoàng Quyên. Anh có thể lý giải gì về điều này?
- NS Quốc Bảo: Là học sinh giỏi thôi đâu có đủ. Phải là học sinh giỏi đồng thời thông minh. Phải đam mê nghề và có quá trình tiếp xúc với môi trường âm nhạc chuyên nghiệp đủ lâu. Phải khiêm tốn và thực tế nữa, truyền hình thực tế mang tên vậy chứ nó chẳng thực tế chút nào, nó ảo, nó đem đến vinh quang ảo.
- Công nghệ lăng xê ngôi sao của truyền hình thực tế - nhìn dưới con mắt nhà sản xuất âm nhạc, anh thấy nó bao gồm những yếu tố lợi và hại gì?
- NS Quốc Bảo: Mặt tốt là nó tạo được một không khí giải trí vui vẻ, thu hút nhiều đối tượng công chúng truyền hình. Mặt hại là nó gây ra ảo tưởng thành công. Ảo tưởng thì hại vô cùng lớn: ta bị mờ mắt, ta không biết mình đang đứng ở đâu, bị lẫn thực với mơ. Ra đường thì được nhận ra ngay, à cô X anh Y vừa mới The Voice, Vietnam Idol, nhưng chẳng ai mời đi show. Kẹt cứng.
- Với kinh nghiệm tham gia Vietnam Idol mùa đầu tiên, anh thấy bản chất mục tiêu tìm kiếm tài năng, tìm kiếm quán quân của họ là gì?

Văn Mai Hương-Á quân Việt Nam Idol 2012.
- NS Quốc Bảo: Lúc ấy, mô hình American Idol còn rất hấp dẫn, chúng tôi nghiên cứu format (định dạng) gốc để tìm xem liệu Việt hóa được đến đâu. Nhà tổ chức, theo tôi, không chủ trương kiếm tìm tài năng gì hết. Họ chỉ chú trọng làm được một show truyền hình thu hút khán giả, ghi vào đầu óc khán giả một nếp hằn ấn tượng. Làm được điều đó rất quan trọng, vì mới lấy được quảng cáo, bảo đảm thành công thương mại. Các thí sinh và cả giám khảo chỉ là các diễn viên.
- Xin cảm ơn nhạc sĩ!
-----------------------------------------------

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :