Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Thời hoàng kim đã qua

Ngành công nghiệp truyền hình Anh - Mỹ chính là nơi sản sinh, nuôi dưỡng và định vị thương hiệu toàn cầu cho những chương trình thực tế dạng tìm kiếm tài năng đình đám nhất thế giới. Nhưng, qua số lượng người xem và theo đánh giá của giới phê bình, các chương trình truyền hình thực tế ăn khách ở Mỹ gần đây đều đang rơi vào tình trạng thoái trào.
Từ những bệ phóng
Cơn sốt kiếm tìm thần tượng âm nhạc khởi điểm từ Pop Idol, nổi tiếng với American Idol, vốn vừa kết thúc mùa giải thứ 12. Trong danh sách rất dài những chương trình ăn khách mà hai cường quốc truyền hình này cho ra đời còn bao gồm những hành trình "đãi cát tìm ... giọng hát" như The Voice, The Voice Kids, X - Factor...; mảnh đất giúp những tài năng tiềm ẩn trong mọi lĩnh vực nghệ thuật có cơ hội phát lộ như Britain's got talent;nơi khám phá những ngôi sao thời trang trên sàn catwalk lẫn trong lĩnh vực thiết kế như American's Next Top Model, Project Runaway...; phát hiện những vũ công tiềm năng nhờ So you think you can dance, Got to dance..., tìm ra những đầu bếp yêu nghệ thuật ẩm thực với Iron Chef, Master Chef...
Tất cả những cái tên nổi danh ấy đều đã vươn mình ra ngoài biên giới, đến với mọi châu lục trong rất nhiều phiên bản khác nhau. Và tất cả đều đã có mặt tại Việt Nam, với danh sách dài chưa hề có điểm kết thúc. Không chỉ dừng lại như những cỗ máy kiếm tiền hữu hiệu khi mang lại cho nhà sản xuất cơ man lợi nhuận, những cuộc thi được tổ chức thường niên, mỗi mùa kéo dài nhiều tháng này còn được công luận kỳ vọng trở thành những bệ phóng hữu hiệu, giúp "giấc mơ vươn tới ngôi sao" của tất cả mọi người tìm được con đường ngắn nhất để tới đích.
AI 2002, sau khi K. Clác-xơn đăng quang ngôi vị quán quân mùa đầu tiên, liên tiếp các album Thankful, Breakaway của ca sĩ này làm mưa làm gió trên US Billboard. Để rồi chỉ sau bốn năm, Clác-xơn giành được giải Album nhạc pop của năm và Nữ nghệ sĩ trình diễn xuất sắc nhất trong lễ trao giải Grammy 2006. Nữ quán quân AI 2005 C. Ăn-đơ-út chỉ mất có hai năm để đoạt giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất của Grammy 2007.
Britain's Got Talent 2009 đã chứng kiến sự tỏa sáng của "giọng hát thiên thần" S. Boi-lơ. Tuy chỉ đạt vị trí á quân nhưng thành công của đĩa đơn Perfect Day cùng album The Gift giữ vị trí số một tại Anh, người phụ nữ ấy không những đã khiến cả xứ sở sương mù bàng hoàng mà còn gây chấn động cả thế giới giải trí.

S. Boi-lơ.
X - Factor mang lại danh hiệu ngôi sao cho quán quân S.Uốt. Cũng chính cuộc thi này đã mang lại cơ hội cho năm chàng trai để trở thành One Direction nhóm nhạc nam đang khuynh đảo giới trẻ toàn cầu. Và cũng chính từ sân chơi này, bốn thí sinh xinh xắn được tập hợp thành nhóm nhạc nữ Little Mix rất được yêu thích.
"Đế chế" đã bắt đầu lung lay
Tuy nhiên, ẩn chứa sau những giấc mơ nổi tiếng chỉ sau một đêm, mục đích kinh doanh vẫn là thứ mà các nhà sản xuất phải ưu tiên đặt lên hàng đầu. Bệ phóng hữu hiệu, nhưng chỉ số rất ít có tài năng và chịu lao động nghệ thuật nghiêm túc mới có thể đi xa. Ngay ở những quốc gia mà công nghệ sản xuất ngôi sao đã đạt đến mức hoàn hảo, số quán quân, á quân thành danh từ "ma trận" các cuộc so tài ấy cũng cực kỳ hiếm hoi. Sau đêm chung kết, sau khi những gương mặt sáng giá được vinh danh, nhà sản xuất lại quay cuồng chuẩn bị những mùa mới, những quán quân mới và những khoản lợi nhuận mới. Sống sót hay bị đè bẹp, nổi tiếng hay bị lãng quên nhanh chóng trong vòng quay khắc nghiệt của showbiz... là việc riêng của các "tài năng".
Tại một số nước châu Âu và Mỹ, người xem truyền hình phải trả tiền, vì vậy, để hút người xem, mỗi kênh truyền hình phải đầu tư những chương trình có chất lượng nhất định. Tỷ suất người xem vừa là tiền bạc vừa là tên tuổi của kênh truyền hình đó. Vì vậy nếu chương trình đó giảm sức hút, người ta thường chọn cách ngừng ngay, không sản xuất tiếp các mùa tiếp theo hoặc cắt giảm số lần lên sóng...
Hành trình kiếm tìm thần tượng âm nhạc, với slogan chơi chữ vô cùng ấn tượng "từ số 0 biến thành anh hùng" (from zero to hero) đã kéo dài 12 năm và cho ra đời 24 ngôi sao tương lai. Tưởng như cơn sốt thần tượng mà American Idol (AI) tạo ra không bao giờ hạ nhiệt, thế nhưng giờ đây nhà sản xuất Fox cũng phải ngậm ngùi nhìn vào một sự thật đáng buồn: "thần tượng" đã mất thiêng, cho dù đã liên tục thay đổi, làm mới.
Ngoài sáu quán quân đã thành sao trong suốt tám mùa giải đầu tiên, AI đã phải ngậm ngùi chứng kiến tám giọng ca được vinh danh trong bốn mùa thi cuối, ngay sau khi kết thúc đã "im thin thít" và "lặn mất tăm". Mặc dù trong hai mùa giải gần đây, AI đã chứng kiến sự thay đổi lớn về thành phần ban giám khảo, luật chơi cũng như thời lượng phát sóng nhưng số lượng người xem vẫn liên tục giảm. Mới đây, nhà sản xuất của AI đã phải hủy 10 trong số 40 chương trình của tour diễn mùa hè sau khi cuộc thi kết thúc.
Nhà sản xuất America's Got Talent cũng tỏ ra rất phiền lòng. Dù đã mời siêu mẫu Heidi Klum làm giám khảo với kỳ vọng thu hút khán giả, tuy nhiên tỷ suất người xem chương trình thời gian qua vẫn ở mức vô cùng ảm đạm.
Thời hoàng kim của những reality -show (chương trình truyền hình thực tế) dạng tìm kiếm tài năng đã qua, ngay trên chính quê hương của nó. Không còn làm mưa làm gió với khán giả Anh - Mỹ, nhưng chúng vẫn là những "món ăn lạ miệng" ở nhiều quốc gia, mà Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng trong số đó. Vì thế, mà các đại gia truyền thông có tiềm lực vẫn mê mải đầu tư tiền của, công sức để nhập khẩu format, Việt hóa, mua sóng truyền hình. Và nhà đài cứ tiếp tục phủ sóng mọi khung giờ đẹp dịp cuối tuần, hồ hởi với nguồn thu quảng cáo cao ngất ngưởng. Rồi sẽ tới lúc cơn sốt "đãi cát tìm tài năng" của chúng ta hạ nhiệt. Nhưng từ giờ tới lúc ấy, khán giả sẽ còn rất nhiều cơ hội song hành cùng những hành trình đa sắc màu ấy. Và tự hỏi, tài năng ư, ở đâu ra mà lắm thế?
-----------------------------------------------

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :